17 May 2012

Như mọi người đều biết, Tân Nhựt là địa chỉ đỏ của cách mạng với địa danh Láng Le – Bàu Cò nổi tiếng, nhân dân nơi đây có truyền thống đấu tranh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Thế nhưng, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Tân Nhựt vẫn là một xã nghèo nhất, nhì của huyện Bình Chánh, Tp. HCM. Tuy đất sản xuất tương đối lớn nhưng kênh rạch chằng chịt, mặt ruộng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn quanh năm, trồng lúa năng suất thấp, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn. Nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, từ đó hình thành nhiều mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ xóa nghèo và nhanh chóng vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất nhiễm phèn, mặn của gia đình. Điển hình là hộ anh Nguyễn Thế Hùng, ngụ tại C12/335, ấp 3, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (điện thoại (08) 38.869.003).

Mô hình VAC hộ anh Hùng

Vốn là một thương binh, từng bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc, bị tra tấn dã man, nhờ thế đã giúp ông Hùng tu rèn ‎ý chí vượt khó, quyết không chấp nhận nghèo mãi mãi. Ông Hùng khái quát kế hoạch làm giàu rất đơn giản, lấy chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi làm điểm tựa, chọn mô hình VAC để phát triển.

Khởi nghiệp nghề nuôi heo năm 1985, với 2 heo nái, đến nay tổng đàn heo nái của gia đình là 27 con, bình quân đẻ 2 lứa/năm/nái, mỗi lứa gồm 10 heo con, tổng số heo con trong 1 năm là 540 con, trong đó số heo con giống xuất bán hàng năm chiếm 63% (giá bán 65.000 – 68.000đ/kg, bình quân 20kg/con), số heo còn lại được giữ lại tiếp tục nuôi thương phẩm. Như vậy, lợi nhuận thu được bình quân là 100 triệu đồng/năm sau khi trừ mọi chi phí. Ngoài ra, để hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí thức ăn nuôi cá, nguồn chất thải từ chăn nuôi heo được đưa thẳng ra ao cá.

Hiện nay, với diện tích mặt nước 5.000m2, gia đình thả 10.000 con cá tra, 500kg cá phi giống, 100kg cá giống nước ngọt (trắm cỏ, mè, mùi). Mỗi năm thu hoạch 18 – 20 tấn cá các loại, giá bán bình quân 10.000đ/kg, lợi nhuận 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, ông Hùng còn tận dụng diện tích trồng 100 cây dừa gáo làm bờ bao xung quanh ao cá, vừa tạo cho môi trường luôn mát mẻ, tận dụng chất đốt, vừa tận thu thêm từ trái dừa, bình quân 1 cây dừa cho 10 trái/tháng, giá bán 2.000đ/trái. Hàng năm gia đình còn thu được 10 triệu đồng tiền bán trái dừa.

Ông Hùng phấn khởi cho biết: nhờ tham dự nhiều lớp tập huấn khuyến nông, tham quan nhiều mô hình sản xuất giỏi, cùng với sự giúp đỡ của ban ngành đoàn thể ở địa phương mà mô hình VAC của gia đình đạt được thành công hôm nay. Vốn là một đảng viên, hội viên hội nông dân, cựu chiến binh nên ông Hùng rất đồng cảm với những khó khăn của những hộ nghèo trong xã. Vì thế, ông sẳn sàng bán chịu con giống không tính lãi, đồng thời hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăn nuôi để cùng giúp nhau vượt nghèo.

Với những thành quả đạt được từ mô hình VAC, anh Nguyễn Thế Hùng được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi - thành đạt nhiều năm liền, với gần 20 bằng khen, giấy khen do thành phố, Hội Nông dân Việt Nam, huyện, xã, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân thành phố, Sở Lao động Thương binh xã hội trao tặng.

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.