17 May 2012

Đến xã Hòa Bình Thạnh (Châu Thành) vào những ngày này, con nước đã “nhóng” lên cao hơn, ngập trắng cả cánh đồng. Trên chiếc tắc ráng chạy men theo mương Ngươn, gần 20 phút, chúng tôi dừng lại bên bờ một trang trại rộng lớn. Đó là cơ ngơi của cô Nguyễn Thị Thanh Nga, người phụ nữ nổi danh với mô hình sản xuất VAC (vườn – ao – chuồng) kết hợp hiệu quả, điều mà cách đây 4 năm không ai dám tin cô có thể làm được.

Chồng mất sớm, một mình nuôi 2 đứa con, cuộc sống khó khăn đã đưa cô đến một ý nghĩ táo bạo: Phải lập nghiệp ở một vùng đất mới. Vào Hòa Bình Thạnh năm 2004, khởi đầu cô mua 15 công đất để làm lúa. Qua vài vụ không đạt hiệu quả, cô mới nhìn nhận lại thực tế: Đất nhiễm phèn mặn, địa hình lại nhiều tầng, không bằng phẳng… Một thời gian dài theo dõi trên báo, đài, cô Nga quyết định sản xuất theo mô hình VAC. Trên vùng đất hoang chưa ai chạm tay làm, với cô, đó là một thử thách lớn! Không có nhiều vốn, cô làm theo phương thức “chia lửa nhỏ”, tích lũy từng chút để xoay sở. Ban đầu, cô mua 2 con heo nái về nuôi, được vài lứa thì phần vì phong trào nuôi heo đang rộ lên khắp nơi, phần vì heo bị rớt giá, nên không bán được. Đàn heo tăng lên, cô vẫn giữ lại nuôi thúc 30 con thành nái với suy nghĩ: “Theo quy luật cung cầu, ắt một thời gian giá heo cũng sẽ tăng trở lại”. Quả không sai, chỉ một năm sau, giá heo đã tăng vùn vụt. Hơn 100 con heo con, mỗi năm cô nuôi vỗ béo, bán ra được trên 100 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, để giảm bớt chi phí, cô mở thêm lò sản xuất rượu, tận dụng bã hèm nuôi heo giúp tăng nhanh trọng lượng.


Năm 2007, đất cũng đã hạ phèn, cô bắt đầu kết hợp đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Vừa làm, cô vừa học thêm kinh nghiệm ở chỗ này, chỗ khác và theo dõi nắm bắt nhu cầu thị trường. Một trong những hướng đi thiết thực là cô đã chọn nuôi trồng những giống đặc sản, đang dần khan hiếm cả trên thị trường lẫn trong môi trường tự nhiên. Vậy là cô quyết định giảm số lượng đàn heo và xây thêm chuồng trại để nuôi vịt (50 con), gà (trên 200 con các giống: Gà sao, hơ mông, gà nòi) heo rừng, rắn ri voi… Mùa nước lên, cô còn tận dụng thu nguồn cá đồng ngoài tự nhiên vào ao và thả nuôi thêm cá hô, cá hô đất, thác lác, cá lóc bông… để tăng lợi nhuận. Đầu tư trên diện tích 3.000m2 đất bờ, cô trồng 200 gốc xoài các giống: Thái Lan, Đài Loan, Tứ Quý, Hòa Lộc, Cát Chu… xen vào đó là mít, đu đủ, cà ớt, bông thiên lý, dưới mương thì làm giàn bầu, mướp, bí đao… Nhờ kết hợp khép kín lợi ích giữa các mô hình, mỗi năm trang trại của cô vừa giảm chi phí sản xuất, vừa đạt doanh thu trên 200 triệu đồng.

Không chỉ làm cho mình, cô còn quan tâm giúp đỡ những người nghèo xung quanh, hướng dẫn họ cách làm ăn, nuôi con giống để bình ổn cuộc sống. Tham gia làm công tác Mặt trận của ấp hơn 1 năm rưỡi, với sự nỗ lực của cô Nga và bà con ấp Hòa Thịnh nghèo khó ngày nào đã vươn lên thành Ấp Văn hóa năm 2009, đạt tiêu chuẩn “4 không” (không nghiện hút, không ma túy, không cờ bạc và không tệ nạn xã hội) và danh hiệu “ấp sức khỏe”. Bên cạnh đó, cô còn tham gia đóng góp và vận động Mạnh Thường Quân ngoài tỉnh xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương, giúp đỡ những hộ khó khăn và học sinh nghèo.

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.