17 May 2012

Bí thư chi Đoàn với mô hình V.A.C hiệu quả.
Ở xã Hòa Bắc huyện Di Linh - Lâm Đồng có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên đem lại hiệu quả cao nhờ mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là việc phát triển các mô hình V.A.C … đã giúp bộ mặt nông thôn thay đổi và nhiều thanh niên vươn lên làm giàu.
Anh Phạm Văn Phụng (sinh năm 1986) hiện là ủy viên BCH Đoàn xã - Bí thư chi đoàn thôn 16 xã Hòa Bắc là một ví dụ. Một đoàn viên gương mẫu ở địa phương, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là hình ảnh người thanh niên cần cù chịu khó, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào do địa phương và Đoàn xã phát động; vận động đoàn viên thanh niên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế, cùng với đoàn viên thanh niên chi đoàn làm đường giao thông nông thôn, giúp đỡ gia đình chính sách, tổ chức hoạt động VHVN -TDTT…
Thực hiện phong trào “thanh niên xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế xã hội”, và phong trào “4 mới” trong thanh niên nông thôn; với mong muốn làm giàu trên mảnh đất của mình, anh đã mạnh dạn xây dựng mô hình sản suất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh không chỉ không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về KHKT mà còn dám nghĩ dám làm.
Thấy bà con trong thôn làm ăn không tập trung, sản phẩm làm ra đôi lúc giá cả không theo ý muốn đã thôi thúc anh học lớp trung cấp thú y và tham gia làm khuyến nông viên cơ sở để có điều kiện nhiều hơn trong việc tìm hiểu các tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Ngoài ra anh tích cực tìm hiểu qua sách báo, xem ti vi, nghe đài, đi tham quan, học hỏi cách thức làm ăn có hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để rút kinh nghiệm, sau đó truyền đạt lại cho bà con nông dân và đoàn viên thanh niên.
Năm 2007, mặc dù gặp khó khăn khi mới lập gia đình và ra ở riêng, anh không nản chí, lấy phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh quyết tâm ra sức cải tạo vườn, ao hồ; bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, sự ham học hỏi, chí thú làm ăn, anh dần dần khẳng định mình và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Không những tự thân lập nghiệp và làm giàu chính đáng, anh còn giúp đỡ nhiều thanh niên địa phương theo con đường làm kinh tế của mình để thoát nghèo.
Nhờ vậy, từ năm 2007 đến nay, mô hình V.A.C của anh phát triển thuận lợi, hiệu quả cao và được nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Nhiều đoàn viên thanh niên khi tới tham mô hình của anh Phụng đều phải khen ngợi không chỉ bởi sự bố trí gọn gàng, khoa học mà còn bởi anh rất quan tâm tới vệ sinh môi trường, chuồng trại: Nước vào ao cá được lọc cẩn thận, sau mỗi vụ thu hoạch, cả ao và chuồng trại đều được vệ sinh khử trùng nên sau nhiều năm sử dụng mô hình V.A.C của anh hầu như không có dịch bệnh, cây trồng vật nuôi cho năng suất cao.
Với diện tích 1,5ha đất vườn càphê được bố mẹ cho khi ra ở riêng, càphê đã già cỗi không cho năng suất cao, anh tiến hành cải tạo 01 ha càphê để tiến hành ghép cây giống cà phê có năng suất cao. Sau nhiều năm cần cù chăm sóc, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … vườn càphê của anh đã đem lại những kết quả đáng mừng. Từ đó đến nay, năm nào vườn càphê cũng cho năng suất gần 4 tấn/ha.
Phía sau nhà, anh còn nuôi thử nghiệm 50 cặp thỏ giống, hàng trăm con thỏ thịt, theo anh Phụng: “Thỏ thuộc dạng dễ nuôi, có thể tận dụng thức ăn có sẵn trong thiên nhiên, chỉ sau 2,5 tháng chăm sóc có thể bán thỏ thịt. Trong khi giá bán ra khá cao, người nuôi sẽ có được lợi nhuận”.
Tận dụng một sào đất sình pha cát, anh tiến hành đào hai ao thả cá, hàng năm anh thả 30 kg cá trắm giống, khi cá lớn khoảng 0,7 - 0.8 kg thì anh bán lại cho những ai có nhu cầu mua cá giống về nuôi, thu nhập gần 30 triệu đồng. Ngoài ra trên vườn anh còn trồng chuối, mía để lấy làm thức ăn cho thỏ; xây chuồng trại nuôi khoảng 100 con gà ta, nuôi bồ câu thịt để lấy phân bón cho cây rau. Anh linh hoạt chuyển đổi cây trồng, con giống cho phù hợp với nhu cầu thị trường để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Các sản phẩm đều được anh liên hệ đầu mối tiêu thụ lâu dài, với giá như hiện nay riêng đàn gà, thỏ thịt và thỏ giống mỗi tháng cho anh thu nhập trên 10 triệu đồng; hàng năm, trừ các khoản chi phí anh có thu nhập đều đặn gần 60 triệu đồng, một con số thu nhập khá cao đối với thanh niên nông thôn mới lập nghiệp.
Là một trong những thanh niên xây dựng được mô hình  V.A.C hiệu quả, anh Phụng tâm sự: “Làm kinh tế V.A.C không phải là mới ở Di Linh nhưng để làm có hiệu quả, cho thu nhập cao thì không phải mô hình nào cũng thành công. Không chỉ mạnh dạn đầu tư vốn mà phải biết đầu tư đúng và trúng nhu cầu của thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm để bán được giá cao, sản phẩm phải có khả năng cạnh tranh trên thị trường”.
Anh Phụng nói thêm về mong muốn của mình: “Tuy các mô hình V.A.C của thanh niên nông thôn bước đầu đã có những hiệu quả nhưng trong thời điểm hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Nếu được các ngành, các cấp hỗ trợ kịp thời, quan tâm hơn nữa về vốn, con giống, KHKT, mở rộng thị trường tiêu thụ… thì chắc chắn phong trào phát triển kinh tế của thanh niên khối nông thôn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, để họ dần khẳng định thế hệ trẻ hôm nay đang nỗ lực tiến thân, làm giàu cho bản thân và cho quê hương”.
          Trong những năm qua, nhờ chú trọng công tác chọn giống, phòng bệnh tốt nên trong chăn nuôi chưa gặp phải biến cố nào. Từ nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh Phụng đã mua sắm các vật dụng phục vụ cho sản xuất như máy cày, máy tưới nước và những vật dụng dành cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, đồng thời tạo điều kiện cho con trai được học tập tại Thành phố Bảo Lộc.
Với sự phấn đấu nỗ lực không ngừng trong lao động, trong công tác Đoàn tháng 11 năm 2010, anh Phụng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh vinh dự là đại biểu tham dự Liên hoan “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” tỉnh Lâm Đồng năm 2011.
                         Người viết: Hàng Dờng K’ Chiến
                         (PBT - huyện Đoàn Di Linh)

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.