01 June 2012

Hiệu quả từ một mô hình xen canh

Anh Võ Minh Tân, còn có tên là “Năm đu đủ”, một nông dân cần cù nhẫn nại, đã từng trải qua nhiều năm vật lộn với cây lúa, cây màu tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.

Mãi cho đến khi anh bắt đầu cải tạo vườn tạp, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đưa cây đu đủ vào những vườn cây lâu năm theo mô hình xen canh, lúc bấy giờ cuộc sống gia đình mới bắt đầu vươn lên khá giả.

Đầu năm 2002 anh đã cải tạo 10 công vườn tạp để chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, dâu hạ châu. Trong khi chờ đợi cây phát tán, anh đã tận dụng mặt đất trống để trồng cây đu đủ, một loại cây ngắn ngày và thị trường đang tiêu thụ mạnh. Trong đợt thử nghiệm đầu tiên 200 gốc, anh đã thu kết quả không ngờ, bình quân mỗi cây cho trên 60 ký, giá trung bình 4.000 đ/ký. Năm sau anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng, đu đủ trên bờ đê và bên cạnh những hàng cây đang cho trái chiếng nhưng vẫn bảo đảm đủ ánh sáng cho cây đu đủ quang hợp và phát triển.

Nhìn những hàng đu đủ thấp lùn, lá xanh mươn mướt, trái đơm kín thân cây từ gốc tới ngọn, ai cũng ngạc nhiên hỏi: Trái sai thế này làm sao cây chịu nổi? Anh Tân bảo: Không sao cả. Nhờ cây trồng xiên từ nhỏ nên bộ rễ bám đất rất vững, không sợ đổ ngã.

Anh cho biết đu đủ tuy dễ trồng nhưng muốn cho cây phát triển nhanh, khỏe mạnh, năng suất cao và chất lượng bảo đảm, người trồng trước hết phải nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống cho đến lúc cây ra trái. Đu đủ anh trồng thuộc giống Mã Lai, trái dài, vỏ dày, ruột đỏ hồng, dễ xuất khẩu.

Theo kinh nghiệm của anh, hột đu đủ phải được ươm từ trong bầu đất, sau 25 ngày tuổi mới bắt đầu chuyển sang liếp, giâm tiếp hai tháng nữa mới bứng lên, giũ rễ và trồng lại với độ nghiêng gần sát mặt đất. Bí quyết làm cho cây đu đủ tăng trưởng tốt và sạch bệnh là khâu xử lý đất. Đầu tiên là phải xới đất cho xốp, đắp mô và vun đất bằng rơm rạ hoặc cỏ khô. Kế đến là bón thêm vôi, lân, DAP, phân chuồng, tro trấu một cách hợp lý trước khi đặt cây trồng, khoảng cách 3 mét. Mô trồng được tăng dần kích cỡ nhờ thêm đất, phân, cỏ rác mục theo từng tháng tuổi.

Trong suốt quá trình cây phát triển, anh luôn theo dõi việc vô phân, tưới nước và phát hiện những trường hợp lá bị vàng bạc (vàng lá gân xanh) để kịp thời xử lý. Đây là một bệnh rất khó trị đối với cây đu đủ, đa số nhà vườn gặp phải đều chặt bỏ để tránh lây lan, nhưng anh Tân chịu khó nghiên cứu, học hỏi và thử nghiệm bằng nhiều loại thuốc khác nhau, cuối cùng anh đã kiểm soát được bệnh này.

Hiện nay, anh thu hoạch mỗi tuần một lứa đu đủ và phần lớn sản phẩm đều được xuất khẩu qua Công ty Meko, thu nhập bình quân mỗi năm trên 60 triệu đồng, chưa kể cây ăn trái và cá nuôi dưới các ao mương trong vườn.

Anh Nguyễn Văn Mực, một nông dân cũng chuyên trồng đu đủ cho biết: “Tôi đã đi tham quan học hỏi nhiều nơi nhưng chưa thấy vườn đu đủ nào xanh tốt, trái sai và chất lượng như vườn của anh Tân ở miệt Ô Môn này”. Tuy xuất thân từ một gia đình nông dân, trình độ học vấn lớp chín nhưng anh Tân luôn dám nghĩ dám làm và biết vận dụng những kiến thức khoa học vào canh tác để làm giàu.

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.