21 May 2012

Xã Nam Trung, huyện Nam Sách (Hải Dương), ai cũng biết mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Đặng Văn Sâm, 67 tuổi.

Bằng quyết tâm làm giàu từ chăn nuôi, ông đến những gia đình chăn nuôi giỏi trong xã, trong huyện để học tập. Lúc đầu nuôi nhỏ lẻ. Năm 2004, ông đầu tư xây dựng 3 khu chuồng trại. Trong chuồng lúc nào cũng có 5 con lợn nái. Ngoài số lợn con do lợn nái sinh ra, ông còn mua thêm lợn siêu nạc về nuôi. Thời điểm nhiều nhất, trong chuồng có hơn 400 con lợn. Trung bình mỗi năm ông nuôi được từ 3 đến 4 lứa lợn. Mỗi lần xuất chuồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 16 triệu đồng.
Chăn nuôi trong khu dân cư không an toàn, khả năng lây lan bệnh dịch rất lớn và gây ô nhiễm môi trường. Năm 2007, khi xã có chủ trương chuyển đổi diện tích lúa bấp bênh, ruộng thùng, vũng sang lập trang trại, ông xin mua, đấu thầu 2 mẫu, 4 sào. Ngoài số vốn của gia đình, ông còn vay ngân hàng, bạn bè, anh em hơn 200 triệu đồng để đầu tư. Ao bị chua chưa nuôi cá được ngay, ông kiên trì thau chua bằng cách bơm cạn nước, rắc vôi bột, phơi khô ao, rồi lắp một đường nước sạch dài 40m ở ngoài sông vào. Hệ thống chuồng trại được xây dựng hiện đại, có hệ thống hầm bi-ô-ga, lấy khí đốt đun nấu vừa sưởi ấm cho lợn khi trời rét. Lắp quạt thông gió về mùa nóng. Có máng ăn nước uống tự động. Trong trang trại có một mẫu ao nuôi tổng hợp các loại cá trôi, chép, chim trắng, rô phi..., 400m2 xây chuồng lợn; 270m2 xây chuồng gà. Trên bờ trồng các loại cây ăn quả như chuối, nhãn, vải, đu đủ, ổi... Hiện trong chuồng có 8 con lợn nái, 200 con lợn thịt. Từ đầu năm đến nay ông đã bán 600 con gà, 200 con ngan, 300 con vịt, hàng chục nghìn quả trứng và 2 lứa lợn, hai lứa cá, thu hơn 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, quê hương, ông Sâm còn tích cực phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi trồng trọt cho bà con trong xã.

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.