17 May 2012

Làm giàu từ mô hình VAC

Đứng trên con đê quai thuộc địa phận thôn Lập Ái- xã Song Giang, Gia Bình nhìn xuống khu chuyển đổi VAC của thôn là ngút ngàn màu xanh cây trái, sự trù phú của vùng quê đang hiện rõ nơi đây. Trong số những trang trại ở khu này, nổi bật nhất là cơ ngơi bề thế của gia đình ông Trịnh Đình Sừng với những ao cá rộng đến mấy mẫu được xây bờ kè chắc chắn, xung quanh là các khu chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, ngan...

Ông Trịnh Đình Sừng năm nay mới 54 tuổi nhưng có dáng dấp của một lão nông tri điền. Ông Sừng cho biết: để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả quá trình lao động bền bỉ, của các thành viên trong gia đình. Gia đình ông cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng kè ao, xây chuồng trại, mua con giống và cũng phải trả giá đắt cho những bài học kinh nghiệm ban đầu.

Khoảng chục năm trở về trước, gia đình ông cũng như bao hộ khác của xã Song Giang, một năm 2 vụ cấy, cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn. Song Giang quê ông là địa phương có nhiều diện tích ao hồ, ruộng trũng bậc nhất của huyện Gia Bình, nếu để cấy lúa thì hiệu quả thấp nhưng để phát triển kinh tế trang trại thì đó lại là một lợi thế lớn. Chính vì vậy, năm 2006, khi xã Song Giang có chủ trương chuyển đổi khu thùng ao Đồng Quan gia đình ông đã mạnh dạn đăng ký nhận 7 mẫu, với thời gian là 20 năm. Ban đầu là biết bao khó khăn, đầm hồ mênh mông, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nhưng bằng quyết tâm, ông động viên vợ con cùng chung tay góp sức đào ao, đắp bờ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đưa trang trại dần vào sản xuất ổn định.

Với diện tích 7 mẫu, ông quy hoạch thành 3 ao thả cá, ao lớn nhất có diện tích 2 mẫu, ao nhỏ nhất 1 mẫu. Theo mô hình VAC, gia đình xây hàng trăm m2 chuồng trại, tách riêng cho từng loại vật nuôi như: lợn nái, lợn thịt, gà đẻ, ngan Pháp… chuồng trại xây dựng khoa học, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thuận lợi cho chăm sóc và vệ sinh phòng trừ dịch bệnh. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, toàn bộ diện tích xung quanh ao cá ông bố trí trồng chuối, là cây nhanh cho thu hoạch, có giá trị kinh tế và phù hợp với đồng đất địa phương. Với sự đầu tư sản xuất quy mô và bài bản, hiện nay trang trại của gia đình ông lúc nào cũng có 3 lợn nái, đủ cung ứng con giống, không phải mua ở ngoài. Lợn thịt được nuôi theo cách gối lứa, mỗi lứa 12-15 con, cứ 3 tháng là được xuất chuồng. Bình quân thu nhập từ nuôi lợn cũng được 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trong chuồng còn có 200 gà thả vườn, 200 con vịt đẻ, 100 con ngan Pháp, cho thu nhập 120 triệu đồng. Nhưng nguồn thu chính của trang trại vẫn là 3 ao cá. Do diện tích ao rộng nên ông tập trung vào nuôi các loại cá thương phẩm như: trắm, chép, trôi… ngoài ra còn có loại cá đặc sản: trắm đen, cá lăng... nuôi xen kẽ. Bằng nguồn thức ăn tại chỗ, kết hợp với thức ăn công nghiệp, trang trại đã giảm khá nhiều chi phí trong chăn nuôi và hạn chế dịch bệnh trên đàn cá nên doanh thu từ ao cá mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Tổng thu nhập từ trang trại một năm được gần 700 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, để có kết quả cao như ngày hôm nay, gia đình ông Sừng cũng chịu nhiều rủi ro trong chăn nuôi, những năm đầu nuôi gà gặp dịch cúm, lợn bị bệnh tai xanh, ông Sừng đã trăn trở rất nhiều để tìm ra phương pháp chăm sóc các loại vật nuôi đạt hiệu quả nhất. Từ học qua sách báo đến học tập kinh nghiệm của các trang trại khác; đồng thời có sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ông đã rút ra nhiều bài học quý báu trong cách lựa chọn con giống, xử lý chuồng trại, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy trong 4 năm trở lại đây dù dịch bệnh trên đàn lợn, đàn gia cầm xảy ra khá mạnh ở địa phương nhưng đàn vật nuôi của trang trại vẫn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Bằng quyết tâm và nghị lực của mình, cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ông Trịnh Đình Sừng và gia đình đã xây dựng trang trại có hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những trang trại điển hình của xã Song Giang. Với cương vị là Chủ nhiệm CLB kinh tế trang trại của xã, ông đã chủ động tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn hỗ trợ thành viên CLB cũng phát triển sản xuất, tổ chức thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để các chủ trang trại có kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào mô hình kinh tế của gia đình mình. Với những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế và công tác xã hội, hàng năm gia đình ông Trịnh Đình Sừng đều đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” và gia đình văn hóa tiêu biểu.

Lê Hà

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.