19 May 2012

Kỹ thuật nuôi heo thịt




Anh Thẩm ở xã Xuân Quế...
Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo khá lớn, trong đó nuôi theo hình thức trang trại chiếm hơn 50%. Hiện nay, nuôi heo luôn bị một số dịch bệnh đe dọa như: lở mồm long móng, heo tai xanh... Để đàn heo nhanh lớn, ít dịch bệnh, người chăn nuôi nên áp dụng một số phương pháp kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông trong xây dựng chuồng trại, chọn giống và chăm sóc đàn heo.
1/ Chuẩn bị chuồng trại:

- Địa điểm xây dựng chuồng trại nên cao ráo dễ thoát nước và xa khu dân cư.

- Chuồng trại nuôi heo xây dựng chiều dài chuồng theo hướng Đông-Tây để tránh bức xạ của mặt trời. Đồng thời, chuồng trại phải thoáng mát, có rèm che khi mưa gió. Giữa các dãy chuồng làm cách xa nhau từ 20 - 30m và khoảng trống ở giữa trồng cây xanh để điều hòa nhiệt độ và tránh gió lùa.

- Làm hố sát trùng ở đầu các dãy chuồng. Chuồng nhập heo về, chuồng đang nuôi, chuẩn bị xuất bán phải riêng biệt để giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

- Nền chuồng làm bằng xi măng, có độ nhám và dốc khoảng 3% để dễ thoát nước khi tắm rửa cho heo.
- Diện tích chuồng nái nuôi con khoảng là 5 - 6m2/con, có lồng úm cho heo con từ 0,8-1m2, heo thịt 0,8-1,2m2/con. Có máng ăn, núm uống tự động riêng biệt, đúng kích cỡ cho từng loại heo. Ngoài chuồng có rãnh thoát phân và hố phân cách xa chuồng. Nếu có điều kiện nên nuôi heo bằng chuồng lồng vừa tiết kiệm diện tích, vừa hiệu quả.

- Cần có hệ thống xử lý chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường. Cách tốt nhất xây dựng hầm biogas tận dụng phân heo để làm chất đốt nếu nuôi nhiều heo có thể dùng khí biogas chạy máy phát điện thắp sáng giảm chi phí đầu vào.

- Hệ thống chuồng nuôi có thể làm theo 2 cách: Hệ thống chuồng mở, xây nới cao ráo, có những khoảng mở trên mái và chung quanh chuồng để tạo điều kiện cho sự lưu thông không khí trong và ngoài chuồng thông thoáng tự nhiên. Còn hệ thống chuồng kín, trên mái, xung quanh được che kín bằng những tấm nhựa, kiếng trắng... ngăn sự lưu thông không khí, nhiệt độ. Làm chuồng kiểu này có hệ thống làm lạnh, quạt thông gió nhằm ổn định nhiệt độ, độ ẩm, thông thoáng cho chuồng nuôi. Hệ thống chuồng kín có ưu điểm heo sinh trưởng phát triển nhanh, ít bệnh, song vốn đầu tư cho hệ thống chuồng kín rất cao.

2/ Cách chọn heo giống:

- Heo Landrace: Đặc điểm là lông trắng, tầm vóc lớn, cổ dài, đầu thon nhỏ, mõm dài, tai to, lưng thẳng, bụng gọn, phần sau nở nang và bốn chân nhỏ. Loại heo này con đực, cái có thể chọn làm giống lúc 7-8 tháng tuổi. Con nái có thể đẻ 10-11 con/lứa, trọng lượng heo sơ sinh từ 1,2-1,6 kg/con. Nuôi thịt sau 5-6 tháng đạt 90-100kg/con. Loại heo này nuôi thịt, 1 kg heo tăng trọng mất khoảng 2,4-3,2 kg thức ăn. Tỷ lệ nạc của heo thịt 53 - 57%.

- Heo Yorkshire: Có nguồn gốc xuất xứ từ nước Anh. Đặc điểm lông trắng ánh vàng, đầu và tai to, trán rộng, mắt lanh lợi, lưng thẳng, ngực rộng, đùi to, 4 chân khỏe. Con đực, cái có thể chọn làm giống lúc 7 - 8 tháng tuổi. Con nái đẻ khoảng 10 - 11 con/lứa, trọng lượng heo con mới sinh từ 1,2 - 16 kg/con. Nuôi heo thịt 5 - 6 tháng đạt trọng lượng 90-100 kg/con, cứ 1kg heo tăng trọng hết 2,6 - 3,4kg thức ăn. Tỷ lệ nạc của heo thịt 51 - 54%.

- Heo Duroc: Có xuất xứ từ Mỹ. Loại heo này có đặc điểm là lông đỏ sẫm, thân hình chắc chắn, đòn dài, lưng vồng, tai rũ, chân chắc khỏe 4 móng đen. Giống heo này có thể chọn làm giống lúc 6 -8 tháng tuổi. Heo nái chỉ đẻ 7-9 con/lứa. Nuôi thịt 6 tháng đạt khoảng 100kg.

- Tuy nhiên, heo nuôi thịt nên chọn heo lai của Duroc-York-Land... sẽ tốt hơn. Đồng thời chọn những con dài, mông, vai nở nang, da hồng hào, lông bóng mượt, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và không khuyết tật.

3/ Chăm sóc nuôi dưỡng heo thịt:

- Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, quét vôi, phun thuốc sát trùng trước khi nhập chuồng nuôi khoảng 5 - 7 ngày. Chuẩn bị đầy đủ máng ăn, vòi nước uống. Heo nuôi nên phân đàn đồng đều theo lứa tuổi, trọng lượng trong cùng ô chuồng, diện tích 0,8-1m2/con, nuôi 8-12 con/ô.

- Chuồng trại nuôi heo phải vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Lúc trời nắng nóng nên tắm mát cho heo, song tránh mưa tạt, gió lùa. Nhiệt độ trong chuồng nuôi giữ ổn định 24-260C và độ ẩm 60-70% (chú ý không nên tắm cho heo dưới 50 ngày tuổi).

- Cho heo ăn có 2 cách, cho ăn tự do và cho ăn hạn chế. Cho ăn tự do heo nhanh lớn, rút ngắn được thời gian nuôi, nhưng heo nhiều mỡ. Phương pháp cho ăn hạn chế, giai đoạn heo 20-60 kg/con cho ăn tự do, trên 60kg/con cho ăn hạn chế từ 2,3-2,7kg thức ăn/con/ngày. Cách này thời gian nuôi bị kéo dài, song tỷ lệ mỡ ít, nạc nhiều, tiết kiệm được thức ăn.

- Dùng thức ăn cho heo phù hợp với từng giai đoạn nuôi. Nhưng khi chuyển sang thức ăn mới cho heo nên chuyển từ từ trong khoảng 4-5 ngày để heo quen dần không bỏ ăn.

- Thức ăn cho heo sử dụng dạng ẩm, 1kg khô cám hòa trong 1 lít nước để heo dễ ăn và tránh được bệnh về đường hô hấp. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng tốt, không bị mốc, thối. Đồng thời nước uống cho heo phải đảm bảo sạch, không nhiễm bẩn.

- Định kỳ phải tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc cho heo như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả... Bên cạnh đó, phun thuốc sát trùng, diệt ruồi, muỗi 1 tuần/lần và hố sát trùng thay 1-2 ngày/lần

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.