20 May 2012

Tham quan trại nuôi gà và nuôi giun tại xã Xuân Lũng

1. Đoàn tham quan và địa điểm đến thăm

Trong giai đoạn 2007 – 2009, RDSC tại Phú Thọ đã xây dựng 3 mô hình trạm thực nghiệm ổn định về mặt tổ chức, quản lý để chăn nuôi con giống bản địa lợn, thỏ, gà và cây thức ăn gia súc. Trạm là nơi chia sẻ kinh kỹ thuật, kinh nghiệm với người dân địa phương thông qua giới thiệu những con giống và kỹ thuật dễ nuôi trồng và có giá trị kinh tế, phục vụ trực tiếp nhu cầu chăn nuôi của địa phương.
Sau chuyến thăm trao đổi kinh nghiệm của S-Code tại Tram Yên Lương về ủ phân vi sinh và nuôi giun đầu tháng 11 năm 2009, RSDC quyết định đi thăm một mô hình nuôi giun quế và nuôi gà trước khi triển khai tại mỗi trạm thực nghiệm nhằm cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Ngày 19 tháng 11 năm 2009, RDSC đã tổ chức một chuyến tham quan mô hình nuôi giun quế và nuôi gà tại một trang trại xã Xuân Lũng huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Đoàn tham quan có 3 cán bộ RDSC, ba công nhân của ba trạm thực nghiệm xã Thu Cúc, xã Tân Lập và xã Yên Lương, thú y viên xã Thu Cúc cùng với một người dân trong thôn Chiềng 2.
Gia đình chủ trang trại
Đoàn tham quan được anh Nguyễn Văn Thiện – phó chủ tịch xã giới thiệu đến thăm gia đình anh Nguyễn Hữu Lực – Khu 7 – một hộ có mô hình làm ăn kinh tế giỏi trong xã, chủ yếu là mô hình kinh tế liên hoàn: cây ăn quả - nuôi giun quế - nuôi gà – nuôi bò. Tuy nhiên, mục tiêu của đoàn tham quan là tìm hiểu kỹ thuật nuôi giun quế và nuôi gà tại gia đình anh.
Trong những phút đầu làm quen, anh Lực có kể về cuộc đời lam lũ, bươn trải đủ nghề của anh và duyên cơ anh đến với nuôi giun quế. Anh đã đi nhiều nơi và làm nhiều việc khác nhau nhưng chủ yếu là làm thuê. Và sau đó, anh nhận thấy về quê và phát triển kinh tế gia đình ngay tại mảnh đất quê hương là phù hợp nhất. Hiện tại, theo anh Lực, thu nhập chung của gia đình anh mỗi năm khoảng 80 triệu, trừ chi phí cũng được khoảng 30-40 triệu.

2. Kinh nghiệm nuôi giun quế

Đầu năm 2008, gia đình anh Lực mua 1 kg giun giống (giá 150.000 đ/kg) về nuôi thử. Tuy nhiên, do không biết cách nuôi, giun chết hết. Anh đem số phân còn lại, có lẫn trứng giun, để vào bể rồi đậy kín bằng miếng fibrro xi măng và cũng không để ý đến giun nữa. Đến hè, khi mở nắp bể, anh mới ngạc nhiên thấy giun sinh sôi nảy nở khoảng được 3 kg. Từ đấy, anh quyết định nuôi giun quế. Hiện nay, anh đã nhân rộng được 30 m2 giun quế, và có giun giống bán cho người dân trong xã.
Chuồng và bể nuôi
Quan sát hai chuồng trại nuôi giun, được xây đơn giản bằng gạch ba vanh, mái lợp Pro-xi măng. Chiều cao của chuồng khoảng 2.2m, tường xây cao 1m, tránh gà, cóc, nhái, kiến mối. Chuống được che kín chỉ bằng những tấm vỏ bao xi măng quây lại sao cho chuồng nuôi giun không bị ánh sáng. Anh cho biết, nên làm chuồng nuôi giun dưới những tán cây to, rậm như vải để mát về mùa hè và mùa đông chắn gió. Theo anh Lực, thiết kế chuồng trại làm sao đỡ tốn chi phí nhất mà vẫn đảm bảo được kỹ thuật trong nuôi giun. Với cách này, anh cho biết, để có một chuồng nuôi giun quế 15 m2 chỉ mất khoảng 2 bao xi măng với 200 viên gạch ba vanh, tính cả láng nền chuồng. Xung quang chuồng giun, anh có làm 1-2 hố thoát nước nếu như phải tưới phân.
Trong chuồng nuôi giun, chia làm hai ngăn để đi lại tưới nước cho giun vào mùa hè, tiện khai thác. Tuy nhiên, gia đình anh vẫn chỉ làm đường ngăn tạm bợ bằng một hàng gạch đỏ, chưa xây thành lối đi. Chuống có 1 cửa để ra vào kiểm tra giun, thức ăn dễ dàng. Mặt nền chuồng nên có độ nghiêng như chuồng lợn để giúp thóat nước ra ngòai.
Anh cũng chia sẻ, nêu như không làm chuồng thì có thể xây bể nuôi giun cũng phù hợp. Diện tích bể khoảng 1.5 m2, cao khoảng 80 cm. Trong đó, 10 cm là đất nền, 60 -70 cm phân là được. Trên cũng được che kín bằng Pro – Xi măng tránh ánh sáng. Bể nuôi giun cũng cần được làm những lỗ thoát nước.
Thức ăn cho giun
Gia đình anh tận dụng phân từ 3 con bò nuôi và một số hộ nuôi bò trong thôn xã. Phân trâu, bò thì cho giun ăn trực tiếp, không cần ủ, nhưng phải ngâm trong nước sạch 2-3 ngày, khoắng đều cho nhuyễn. Tất cả các loại thức ăn khác như phân vi sinh đã hoai mục cũng nên ngâm trong nước 1-2 ngày. Với phân lợn thì phải ủ hai tháng mới được cho giun ăn. Phân gà cũng có thể cho giun ăn với điều kiện phân gà không lẫn vôi. Theo anh, phân gà có nhiệt cao, nếu có vôi nhiệt độ cao hơn nhiều, giun ăn sẽ chết hàng loạt.
Anh Lực chia sẻ kinh nghiệm, khi giun ăn phân đến lúc phân có độ xốp trên bề mặt là cần phải cung cấp phân cho giun ngay. Phân làm thức ăn cho giun cần được ngâm qua nước sạch (nước không nhiễm các chất hóa học như nước xà phòng, nước rửa chén...). Việc phân trong bể nước sẽ giết một số loại côn trùng có trong phân hại cho giun. Sau khi phân đã được ngâm trong nước (khoang 1-2 ngày), anh cho giun ăn. Anh không đổ thức ăn theo từng đống mà cứ múc từng gáo đổ thẳng theo ngăn trong chuồng. Đây là cách anh cho giun ăn, anh cũng không lý giải tại sao lại như vậy. Đó là kinh nghiệm của anh.
Phòng chống thiên địch gây hại
Do xây dựng chuồng kín nên gà không vào được. Từ khi anh nuôi giun đến nay, không bi mối và kiến vào. Anh cho biết, khi cho một con giun chết thì sẽ có kiến xuất hiện. Giun ít bị nhiễm bệnh, chỉ chết khi thiếu thức ăn. Do vậy, cần theo dõi kiểm tra thức ăn thường xuyên của giun, không để giun bị chết đói.
Mỗi sáng, anh Lực kiểm tra chuồng trại, bể giun xem có bị cóc vào ăn giun không. Anh kể, có bữa sáng dạy thấy con cóc bụng tròn vo ăn giun, anh phải nhanh chóng bắt ra. Ở chuồng trại nuôi giun của anh, chỉ có cóc vào ăn giun. Việc xây tường cao, ra vào đóng cửa chuồng để tránh con vật tới ăn giun.
Thời tiết
Nuôi giun vào từng mùa cần chú ý một số đặc điểm thời tiết. Chẳng hạn, mùa hè lượng thức ăn của giun thường bị khô, do vậy cần tưới nước cho ẩm. Mùa đông, trời rét, nhất là khi rét đậm cần ủ ấm cho giun bằng cách phủ một lớp bạt trên bề mặt thức ăn của giun và phủ tiếp một lớp rơm mỏng lên bạt. Vì giun có đặc điểm cần lượng ô xi không nhiều nên việc phủ kín không ảnh hưởng đến giun. Tuy nhiên, về mùa đông, giun phát triển chậm hơn mùa hè và mùa khác trong năm. Anh cho biết tuyệt đối không thắp đèn sưởi ấm cho giun như sưởi gà, kể cả việc dọi đèn pin vào giun sẽ làm đàn giun chết hết vì giun rất sợ ánh sáng.
Cách thu hoạch
Lấy giun ra một chậu rồi cho vào một mảnh bao, dùng tay nén cả giun lẫn trong phân. Một lúc sau giun chui xuống lớp đáy, ta chỉ việc hớt lớp phân ra còn lại giun quấn lấy nhau. Sau 4 -5 tháng, khi lớp phân giun ở đáy chuồng đầy lên và lèn chặt, mật độ giun lớn lên, giun sinh sản chậm đi, thì ta có thể thu hoạch toàn bộ giun. Khi thu hoạch toàn bộ, xúc hót tất cả lớp phân (thức ăn giun) còn xốp ở phía trên lẫn cả giun đổ thành đống. Sau 1-2 tiếng giun chui xuống dưới, hớt lọc dần lớp phân đi để làm chất đệm nuôi giun đợt tiếp; vì trong đó vẫn còn giun con và trứng giun.
Lớp phân giun ở đáy chuồng được anh Lực sử dụng để làm thức ăn cho gà. Cách chế biên thức ăn cho gà trong gia đình anh Lực được nêu ở phần Kỹ thuật chăn nuôi gà.
Chế biến giun
Khi thu hoạch, anh Lực chỉ phơi nắng và cho vào túi ni-lon bảo quản để cho lợn, gà ăn dần. Cứ 3kg giun tươi anh Lực thu được 1kg giun khô.
Hiệu quả kinh tế
Đến nay, anh đã bán được chục lần giun giống, mỗi lần bán cũng từ 3-5 kg, giá 150.000 đ/kg. Gia đình anh cũng phơi khô được vài chục kg giun để cho gà, lợn ăn dần. Hiện tại, gia đình anh có khoảng 30 m2 giun quế trong 3 bể và hai chuồng với khoảng 50 kg giun.
Nguồn thức ăn cho giun anh tận dụng sẵn có trong gia đình và thôn xóm. Gia đình có nuôi 3 con bò, trong thôn có vài gia đình cũng cho anh phân trâu bò để anh nuôi giun. Do vậy, với quy mô 30 m2 như hiện tại chi phí thức ăn thường xuyên cho giun hầu như là không có, anh chỉ mất công đi lấy phân bò từ gia đình trong xóm.
Do nuôi giun quế có khả năng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình nên anh Lực dự định trong thời gian tới, anh dự định nhân rộng khoảng 100 m2 giun quê, vừa cung cấp giống cho bà con trong và ngoài xã, huyện, vừa phục vụ cho chăn nuôi gà.
Khi được hỏi về việc học tập kỹ thuật nuôi giun anh chia sẻ, anh có được học một lớp về kỹ thuật nuôi giun ở Hà Nội nhưng anh không nhớ do ai tổ chức, rồi anh tìm hiểu trên báo, ti vi và quan trong hơn cả là anh tự học trong quá trình nuôi giun quế.

3. Kinh nghiệm nuôi gà thịt

Tận dụng nguồn thức ăn từ giun quế (phân giun), anh Lực nuôi gà thịt với quy mô trong gia đình, khoảng 200 con/lứa. Một năm nuôi 3 lứa. Gia đình anh nuôi là gà ta lai gà mía. Gà được nuôi thả quanh vườn nên chất lượng gà ngon.
Về chuồng trại
Thiết kế hết sức đơn giản: gạch ba vanh, xi măng cát xây xung quanh. Chuông cao 3m. Nền láng xi măng để dễ làm vệ sinh. Chuồng gia đình anh được xây theo hướng Đông Nam, bảo đảm các điều kiện thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Quy mô chuồng gà lớn hay bé xây thùy thuộc vào hộ gia đình. Tuy nhiên, cần đảm bảo 10 – 15 con /1m2 (nếu là nuôi trên nền). 1 - 2 ngày anh dọn vệ sinh một lần.
Chuồng gà con được thiết kế tương tự với chuồng gà trưởng thành. Chuồng úm gà con xây kín 4 mặt, chừa 1 cửa ra vào và một vài lỗ thông hơi nhưng có rào lưới chắn tránh chuột, rắn bắt gà. Chuồng có đèn thắp sưởi ấm cho gà và khay đựng thức ăn. Nền chuồng láng xi măng có rải trấu để giữ nhiệt.
Cách gây gà giống
Từ năm 2007 tận dụng diện tích đất rộng rãi dưới tán cây vải, anh Lực đã kết hợp chăn nuôi 100 gà đẻ và 150 - 200 gà thịt mỗi lứa, giống gà anh lựa chọn để nuôi là gà ta và gà lai Chọi rất phù hợp với phương thức chăn thả tự do. Để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi gà, anh Lực cho biết, muốn gà con đạt tỷ lệ sống cao, cần bố trí để 5-6 gà mái ấp cùng một lúc hoặc gửi trứng ấp máy nhân tạo để có số lượng gà con từ 100-150 con, cho vào chuồng úm để úm gà con trong vòng 1-2 tháng tuỳ theo mùa đông hay mùa hè. Trong thời gian này sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, sau thời gian úm gà được thả ra vườn và sử dụng hoàn toàn thức ăn từ nhiên là ngô, thóc... đồng thời gà tận dụng thức ăn tự kiếm được dưới tán cây như: Mối, côn trùng, cỏ...
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, gia đình anh không nuôi gà đẻ trứng nữa mà nuôi gà thịt. Sau khi mua 200 con gà giống gà ta lai gà mía tại thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ, anh vẫn úm gà trong vòng 1 tháng bằng đèn điện dây tóc và sau đó chuyển sang nuôi thả trong vườn.
Cho ăn
Thức ăn của gà thịt chủ yếu là ngô nghiền và phân giun được cho ăn một lần vào buổi sáng. Công thức chế biến thức ăn dùng trong 1 ngày cho 100 con gà là 30% phân giun quế (2 kg) và 70% ngô nghiền (4,6 kg), đem trộn với nhau, cho nước vừa đủ sao cho không quá ướt, không quá khô (gà không mổ được) và cho vào máng ăn. Chi phí thức ăn cho 1 con gà trong 1 ngày như vậy là khoảng 225đ, trong 2 tháng mất 13.500đ. Anh Lực cho biết trong phân giun có chất dịch nhầy do giun tiết ra; chất này rất nhiều đạm nên gà ăn nhanh no mà lâu đói. Một con gà khi anh xuất chuồng trên 2 kg trong khoảng 4 tháng. Với cách cho ăn này, anh tính chi phí cho 1 kg gà thịt giảm đi gần một nửa, lãi được ít nhất 65%. Để nuôi được 1 kg gà mất 5 kg thóc trong 2 tháng. Như vậy, tính theo giá thị trường thì người nuôi gà lãi được 50% cho 1 kg gà.
Phòng bệnh cho gà
Anh tiêm vắc xin phòng bệnh Newcatson, bệnh Gumboro và bệnh tụ huyết trùng. Trong 45 ngày đầu tiên, tiêm vắc xin phòng Newcatson (phòng gà bị phân trắng, xanh), Gumboro và tụ huyết trùng (phòng gà bị phân đỏ). Sau bốn tháng xuất chuồng nên không cần tiêm vắc xin nhắc lại lần hai. Do thời gian nuôi không dài nên gà ít bị bệnh dịch. Hơn nữa, anh Lực có kinh nghiệm phát hiện ra bệnh nên một con bị bệnh sẽ được cách ly và những con khác được uống thuốc phòng. Anh cho biết, mỗi buối sáng, cần kiểm tra phân gà xem có biểu hiện lạ nào không? Cần chú ý nhất là trong lúc giao mùa, hoặc là thời tiết thay đổi đột ngột vì thời tiết là nguyên nhân quan trong gây ra bệnh tụ huyết trùng.
Giá cả thị trường
Anh Lực mua gà giống tại Thanh Sơn với giá 6000đ/con. Nuôi trong khoảng 4 tháng, gà được trên 2 kg/con gà lai (gà mía) với giá 55.000 đ/kg. Khách hàng chủ yếu là người dân trong xã Xuân Lũng và Sơn Hùng. Thu nhập từ bán gà mỗi năm khoảng 20 triệu đồng.

4. Lời kết

Trong chuyến tham quan này, cán bộ RDSC, các đại biểu khuyến nông và nông dân Thanh Sơn và Tân Sơn đã học tập được nhiều kinh nghiệm thực tế từ mô hình chăn nuôi liên hoàn từ gia đình anh Lực, một gia đình nghèo vươn lên làm ăn khá bằng cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi. Đoàn đã trao đổi trực tiếp với người nuôi nên thấy dễ hiểu và có thể áp dụng được. Đoàn đặc biệt chú ý về kỹ thuật nuôi giun, làm chuồng trại, tới cách chế biến thức ăn cho gà từ phân giun quế.
Trong chuyến tham quan, RDSC đã mua 3 kg giun giống với giá 150.000 đ/kg về nuôi thử nghiệm ở trạm Yên Lương. Trạm Yên Lương đã làm nền, chuồng trong khu vực nuôi thỏ cũ của trạm. Một người dân ở thôn Chiềng 2 cho biết: “nếu cô vay được vốn, cô sẽ nuôi giun trước tiên, sau đó sẽ nuôi gà”.

1 comment:

  1. Wow what a Great Information about World Day its very nice informative post. thanks for the post.
    NUOi

    ReplyDelete

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.