22 May 2012

LÀM GIÀU KHÔNG KHÓ!

Vươn lên khá, giàu là khát vọng chính đáng của nhiều hộ dân trong Tỉnh. Thực tế nhiều bà con nông dân, già có, trẻ có, nam có, nữ có đã cố gắng tìm tòi học hỏi và mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, thực sự trở thành những nông dân sản xuất giỏi; Đời sống vật chất, tinh thần của gia đình đổi mới rõ rệt. Song cũng không ít hộ dân tuy rất chịu khó, chịu đầu tư, thậm chí đã có những thành công khi sản xuất ở quy mô nhỏ nhưng vẫn bị thất bại thua lỗ trong làm ăn.
Những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình anh T ở huyện An Biên có 1 mảnh vườn khoảng 3000m2, nằm cặp Quốc lộ 61 tại khu vực Thứ 2. Miếng vườn đang có trồng một số dừa sắp đến ngày cho thu hoạch và một số cây tạp mọc xen. Năm đó hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp, chủ hộ đã đốn bỏ tất cả các loại cây trong vườn để chuyển sang trồng xoài, nhãn. Nhưng cũng chỉ vài năm sau xoài, nhãn không đem lại kết quả nên anh phá bỏ để trồng mía, rồi cũng chỉ được 1 – 2 vụ gặp lúc mía rớt giá nên anh chuyển sang làm rẫy và tới nay lại trở về nguyên trạng. Chẳng biết chủ hộ đã đầu tư vào đấy bao nhiêu công sức và tiền bạc nhưng chắc chắn là chưa lấy lại vốn.
Cũng cuối những năm nói trên, tại huyện Châu Thành có anh Năm vịt. Nghề nuôi vịt của anh không biết có từ bao giờ, nhưng qua mấy vụ nuôi vịt với quy mô từ 300 – 500 con, năm nào cũng thắng nên bà con đặt biệt danh cho anh là 5 Vịt. Nuôi vịt những năm này đã giúp gia đình anh sắm được xe máy xịn, Ti vi và con cái học hành đàng hoàng. Thế rồi không chịu được cảnh thu nhập “cò con”, anh quyết định nuôi với qui mô lớn. Anh nói: “Đằng nào cũng mất công chăm sóc, nuôi dưỡng”! vụ ấy anh bắt 3000 con vịt giống siêu thịt về nuôi. Phải nói, tháng đầu vịt lớn thấy mà phát ham. Ai qua lại trại vịt cũng khen nắc nỏm: cái ông năm này có tay nuôi vịt ghê. Thế nhưng từ tháng thứ 2 trở đi, vịt bắt đầu ăn nhiều (chả là cái giống mau lớn mà) thế là phải lo, phải chạy. Lớp thì tìm đồng đưa vịt đi chăn thả, lớp thì kiếm người trông nuôi tiếp, lớp chạy lo thức ăn. Thôi thì cứ tít mù cả lên. Rồi vẫn cứ phải nuôi, vẫn cứ phải chăn và vẫn cứ phải cho ăn. Mà cái giống vịt chạy đồng nếu mồi trên đồng ít thì nó chạy tản mạn dữ lắm. Khổ nổi, không đủ người quản lý nên giữ không xiết, thế là thất thoát một số gọi là “chút đỉnh” cũng trăm ngoài. Đồng không đủ mồi phải lo thêm thức ăn; mà cái giống vịt nó ăn mới khiếp chứ! Mấy người có nuôi vịt truyền thống cho rằng: nếu vịt mà chịu ăn thì nó ăn tới cả Sa lon, giường hộp. Giữa chừng phát sinh ngoài dự kiến, hụt vốn lại phải chạy. Thôi thì bạc lời, bạc nóng cũng chấp nhận. Tới lúc bán, vịt lại thấp giá hơn tính toán ban đầu. Thế là vụ ấy, lỗ đơn, lỗ kép. Mấy món đồ mua sắm trước đây lại phải đội nón ra đi mà vẫn còn treo nợ trả mấy năm sau chưa dứt. Gặp ai anh cũng thở dài thườn thượt: tham quá cũng chẳng được; biết vậy cứ “cò con” lại chắc ăn. Cùng lắm cũng chỉ phá huề.
Năm 2007, khi phong trào nuôi cá rô đồng phát triển. Anh Ba Tú, út Tới, út Hòa ở Giồng Riềng rủ nhau mướn Kobe về đào ao nuôi cá. Phải nói các anh làm cũng bài bản. Mỗi ao có diện tích từ 300 – 500m2, bờ bọng hẳn hoi, tốn phí nghe đâu cở 15 – 20 triệu đồng/ao. Trước khi nuôi, cũng tìm được nhà tài trợ và tư vấn đàng hoàng. Hầm ao được cải tạo đúng qui trình: cách thức đặt ống bọng cho nước ra vô; xử lý môi trường ao, cách gây màu nước, rồi tới tiếp nhận cá bột, cách thả, cách ương nuôi, cách “chặt lồng” lựa cá đúng y xì sách thầy hướng dẫn. Vụ đó mới nuôi lần đầu nên nuôi với tính chất thử nghiệm thăm dò; chỉ nuôi với số lượng vừa phải thế mà mỗi ao cũng kiếm lời từ 10 – 15 triệu đồng sau gần 4 tháng nuôi.
Thừa thắng xông lên, sẵn có chút kinh nghiệm, lại được nhà tư vấn khuyến khích: cứ đầu tư nuôi 1 tấn cá hết khoảng 17 triệu đồng; bán ra 1kg là 26 ngàn đồng, kể bỏ thì mỗi tấn cá có lời cả chục triệu, sẵn nuôi thì nuôi luôn! Nghe cũng có lý; cả 3 anh nâng cấp đầu tư. Hầm nào cũng tăng số lượng lên gấp đôi; gấp 3. Nhưng ít ai học được chữ “ngờ”. Khi tăng số lượng thì phải tăng mức đầu tư. Tiền giống má, thuốc men, xăng dầu thì không nói làm gì, chả là nhiêu cả. Nhưng tiền thức ăn mới đáng nói. Nuôi chứ đâu phải thả, nuôi thì phải cho ăn, mà lại ăn thức ăn công nghiệp nhé. Có tiền mua mặt thì còn đỡ; cá càng lớn ăn càng nhiều thì tiền mặt với nhà nông đâu sẵn? Chủ đại lý thức ăn sẵn sàng cho thiếu (may phước lắm rồi đó!). Nhưng mua thiếu thì mỗi bao phải chịu thêm chút phết phẩy tiền lời ; một bao thì thấy ít, mà nhiều bao cũng kha khá cái phết phẩy đấy. Thỉnh thoảng chụp cá kiểm tra, thấy cá phát triển đồng đều, khá tốt nên anh nào cũng thấy hy vọng đổi đời. Nào ngờ chỉ có 2 sự cố “nho nhỏ” mà làm cả 3 anh vỡ mộng. Chả là gần đến ngày thu hoạch cá bị nấm bệnh, thế là phải tập trung chữa trị, chữa trị tuy có tốn kém và kết quả thật đấy; nhưng muốn bán được phải chờ cho cá liền da, kết vảy chủ vựa mới cân. Thế là kéo dài thêm cả gần tháng trời so với dự kiến ban đầu. Tốn kém thêm cả khúc dài thức ăn nữa. Hàng chục triệu trở lên chứ đâu ít! Tới lúc thu hoạch chủ vựa biết cá mới lành bệnh nên ép giá; với lý lẽ: mối quen mới mua giá đó chứ cũng không muốn cân! Chả lẽ cầm lại, cầm lại thì còn tốn dài dài. Thế là cân, cân xong tính toán ra, hầm anh ba Tới đầu tư hết 150 triệu thu lại được 115 triệu; sau gần 5 tháng nuôi được con số 35 triệu âm. Nghe nói 2 hầm kia cũng xem xém. Cái phần được duy nhất là mấy bà con dòng họ được biếu mỗi người 1 – 2kg “ăn lấy thảo”! Và tới nay gần cả năm trời các hầm đều bỏ trống nhữ cá đồng ở ngoài vào để thu hoạch gỡ gạc chút đỉnh lấy tiền chuẩn bị cho công cuộc san lấp hầm. Còn nhiều nhiều những trường hợp bà con nông dân chúng ta phải trả học phí quá cao cho con đường chinh phục đói nghèo để mong đổi đời. Song trong khuôn khổ bài viết này chỉ muốn đưa ra 1 vài minh chứng (có thật 100%) nhằm ngỏ hầu với độc giả đôi điều:
Thứ nhất, để thực sự đổi đời các quý vị, bà con cứ mạnh dạn, táo bạo dám nghĩ dám làm đi! Bởi vì, đây là yếu tố đầu tiên quyết định cho thành đạt. Nhưng nhất thiết phải có tính toán cân nhắc thật kỹ. Cân nhắc về thị trường tiêu thụ sản phẩm  mình sắp làm ra; cân nhắc về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật mình có, nhất là vốn đầu tư. Phải chủ động cho cả quá trình sản xuất và lường trước khả năng có thể phải kéo dài thời gian chờ thu hoạch.
Thứ hai là: khi chuyển đổi từ cây con này sang cây con khác phải xét xem điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nơi mình chuẩn bị sản xuất xem có phù hợp với cây con mới không? Dựa trên những kết quả về năng suất, chất lượng của những cây con đó ở nơi khác đã có trồng để so sánh hiệu quả với những cây con hiện mình đang nuôi trồng; để đưa ra quyết định chuyển đổi 1 cách hợp lý – chính xác. Trường hợp của anh cải tạo vườn tạp mà lưu ý đến yếu tố này thì đâu đến nổi nào. Giờ này ngồi rung đùi cũng có mỗi ngày vài trăm ngàn đồng thu từ bán dừa.
Thứ 3 là phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật, nhất là khâu chọn mua giống. Đây là yếu tố tiên quyết cho sự thành bại. Mua phải con giống không đạt chất lượng thì thời gian nuôi kéo dài, chậm phát triển lại tiêu tốn thức ăn nhiều đẩy giá thành sản phẩm lên cao thì cái lỗ là cầm chắc. Còn mua được giống kém chất lượng – nhất là giống cây ăn trái, sau 2 – 3 năm thậm chí có loại 5 – 6 năm mới cho kết quả, khi cây đơm hoa kết trái biết là giống “dỏm”, khi đó phải đốn bỏ vừa tốn tiền bạc, thời gian trồng trọt, chăm sóc vừa tốn thêm công sức phá bỏ - thiệt đơn, thiệt kép như vậy hỏi làm sao mà khá nổi.
Cuối cùng là phải theo dõi sát thị trường để quyết định điều chỉnh quy mô cho phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Nhớ là điều chỉnh qui mô chứ không nên thay đổi hết. thực tế nhiều hộ dân đã dự báo được diễn biến chu kỳ giá mà quyết định qui mô sản xuất từng thời điểm, từng vụ nên cái phần thắng lợi là thường xuyên đến với họ và tới nay cây con ấy trở thành nghề truyền thống của gia đình họ. Tân Hiệp là điển hình của cách làm này – nhiều hộ dân giàu lên nhờ nuôi vịt, heo, trồng rau màu truyền thống.
Một điều cũng muốn lưu ý  mọi người là phải có sổ sách ghi chép lại tất cả quá trình sản xuất của mình – đâu là chi, đâu là thu, đâu là lời; đâu là lỗ; phân bón ra sao, cho ăn uống như thế nào, bệnh tật có gì không, xử lý thuốc men ra sao, sinh trưởng phát triển như thế nào? Càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì cái phần thắng càng cầm chắc bấy nhiêu.$
ĐỖ KHÁNG

No comments:

Post a Comment

Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.