Kỹ thuật trồng dừa xiêm xanh (Kỳ IV) |
6- Bệnh đốm lá:
+ Triệu chứng: trên lá mầm bệnh xuất
hiện từ chóp lá trở vào, đầu tiên là những đốm nhỏ màu nâu vàng hình bầu
dục, sau đó đốm bệnh lớn dần có màu nâu, tâm vết bệnh màu xám tro,
nhiều vết liên kết lại làm cho lá bị cháy. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở
giai đoạn vườn ươm và những vườn trồng dày.
+ Tác nhân: do nấm Pestalozziap palmarum gây ra.
+ Phòng trị:
- Bố trí khoảng cách trồng hợp lý.
- Bón phân đầy đủ và cân đối nhất là kali.
- Nếu bệnh nặng nên phun thuốc hóa học như: Ridomyl, Novral,… liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì
7- Bệnh thối đọt:
+ Triệu chứng: đầu tiên các lá non trên
đọt có dấu hiệu mất màu xanh bình thường, sau đó vàng, cuối cùng khô và
trên đọt ta nghe có mùi hôi, thối; các lá già phía dưới cũng dần dần
vàng, khô và rụng đi; cây chết.
+ Tác nhân: do nấm Phytopthora Palmivora Bult gây ra
+ Phòng trị: thăm vườn thường xuyên để
sớm phát hiện cây bị nhiễm bệnh, vì từ khi nấm xâm nhập vào đọt cây đến
lúc chết đọt thời gian từ 3-5 tháng. như vậy khi phát hiện cây bị nhiễm
bệnh nhẹ, tiến hành phun ngay lên đọt bằng thuốc Ridomyl liều lượng
khoảng 30g/bình 8 lít và phun liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày.
Nếu trong vườn có cây bị bệnh chết ta nên gom tất cả các phần bệnh đem
đốt sạch để tránh nấm bệnh lây qua các cây dừa khác.
8- Bệnh nứt rụng trái non:
+ Nguyên nhân:
- Đất bị nhiễm phèn, mặn làm hư bộ rễ
của cây ảnh hưởng đến quá trình nuôi trái, như vậy trái sẽ rụng trong
suốt mùa khô hay sau những cơn mưa đầu mùa.
- Trái rụng trong mùa mưa dầm và thương
bị nứt trái có thể là do đặc tính di truyền của cây. Thông thường đây là
những cây có trái to, vỏ mỏng, bón quá thừa đạm, thiếu kali, rễ phát
triển mạnh nên cây hút nhiều nước, từ đó dễ làm cho trái bị nứt và rụng,
có thể rụng cả quày hay chỉ rụng 2/3 quày còn lại 1/3 quày dính trên
cây cho đến thu hoạch.
- Rụng trái do nấm: khi trái rụng ta thấy lá đài và nơi tiếp giáp giữa cuống trái với lá đài (mầu dừa) có màu nâu đen, thối mềm.
- Rụng do vi khuẩn: khi trái rụng quan sát thấy trên mầu trái dừa có mủ và có một số lá đài vẫn còn xanh.
- Rụng do di truyền: do chọn giống trên cây dừa có bệnh nứt rụng trái non để trồng.
+ Phòng trị: dừa bị nứt rụng trái non do
rất nhiều nguyên nhân nên phương pháp phòng trị ta cần áp dụng biện
pháp bao dây bằng cách là ở những vùng đất phèn mặn hàng năm ta nên bón
cho mỗi gốc từ 3-5kg vôi bột; song song đó, ở những vùng đất thông
thường khác, nếu cây bị nứt rụng trái non ta nên áp dụng biện pháp phòng
trị sau: điều chỉnh lại công thức phân bón tức là giảm urê, tăng kali;
vào mùa nước lũ hay mưa dầm dùng leng cắt bớt rễ cây để giảm khả năng
hút nước của rễ; trên thân đục một lổ có hình tam giác đều, cạnh khoảng
10 cm, đỉnh quay ngược xuống gốc, sâu khoảng 15 cm, sau đó dùng muối ăn
(NaCl) trét lên vết đục nhằm giảm lượng nước đưa lên cây và cung cấp một
phần clo cho cây. Nếu phát hiện trái rụng có những vết do vi khuẩn hay
nấm bệnh tấn công thì khi cây nở hoa tiến hành phun các loại thuốc trừ
nấm trực tiếp lên buồng hoa lúc hoa chưa nở như: Mancozeb, Ridomyl liều
lượng theo hướng dẫn trên bao bì; hoặc các loại thuốc trừ vi khuẩn như:
Đồng đỏ hay Starner liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
III- Thu hoạch:
Đối với dừa xiêm xanh dùng để uống nước
thông thường nhà vườn thu hoạch trái ở quày thứ 6 (chưa được 6 tháng
tuổi); tuy nhiên, để xác định được quày dừa 6 tháng tuổi ta có thể tuân
thủ theo nguyên tắc như sau: khi quan sát các sẹo lá dừa ta thấy chúng
phát triển theo hình xoắn, có cây xoắn theo vòng phải có cây theo vòng
trái và một vòng xoắn như thế có 5 xẹo lá ta gọi cây dừa có diệp tự 2/5.
Như vậy khi quan sát các quày dừa còn trên ngọn ta có thể quy định quày
mới nở là quày số 0, nằm phía dưới quày số 0 là quày số 5, dưới quày số
5 là quày số 10; nếu là dừa ta, dừa dâu đó là tháng tuổi của trái vì
hai giống dừa này mỗi tháng trổ một quày, nhưng đối với dừa xiêm thì
khác vì nhóm dừa này hai tháng trổ được 3 quày nên quày số 5 chỉ được 4
tháng tuổi mà thôi, vì vậy để thu hoạch dừa xiêm nạo đạt tiêu chuẩn, có
phẩm chất ngon ta nên thu hoạch ở quày số 8 trên cây dừa là trái có chất
lượng ngon nhất.
Trong thực tế hiện nay, nhà vườn thường
thu hoạch dừa xiêm xanh chưa đủ tuổi (tức là còn non nạo) nên khi tiêu
thụ phải vận chuyển xa hoặc gọt vỏ chuyển bằng xe lạnh thường bị nổ trái
do thay đổi nhiệt độ trong điều kiện trái còn quá non, gáo chưa được
cứng, do vậy sẽ làm ảnh hưởng cả lô hàng không bán được, đặc biệt hơn
nữa là sẽ làm mất đi thương hiệu dừa xiêm xanh Bến Tre nói riêng và dừa
xiêm xanh Việt Nam nói chung. Như vậy, chúng tôi đề nghị nhà vườn cần
nên tuân thủ đúng quy trình thu hoạch để giữ uy tính trên thị trường và
tạo điều kiện cho người tiêu dùng khắp thế giới thưởng thức được hương
vị của quả dừa xiêm xanh Việt Nam tuyệt vời như thế nào./.
Nguyễn Văn Dũng
Chi cục QL Chất lượng NLS và Thủy sản
|
No comments:
Post a Comment
Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.