Kỹ thuật nuôi vịt sinh sản (vịt đẻ)
- Chọn vịt sinh sản:
Chọn vịt lên giai đoạn sinh sản lúc 21 - 22 tuần tuổi. Thời điểm này tỷ
lệ loại thải thấp hơn thời điểm chọn lên hậu bị. Loại thải những con
không đạt tiêu chuẩn giống như bị bệnh, ngoại hình có khuyết tật... Vịt
trống được chọn khắt khe hơn và ghép trống mái theo tỷ lệ 1 : 5, 5 - 6.
Khi sắp đẻ, vịt đã thay lông xong, bộ lông mượt trở lại. Nhìn bộ lông có
thể đánh giá tương đối chính xác chất lượng nuôi dưỡng giai đoạn hậu
bị.
- Chuồng
trại, ao hồ:
Chuồng nuôi vịt đẻ cũng có các
kiểu chuồng như chuồng - sân - ao, chuồng sàn trên ao. Yêu cầu đối với chuồng
nuôi là nền chuồng phải khô ráo, tránh chuột và các động vật khác phá ổ trứng.
Tránh mưa nắng cho ổ đẻ.
Ổ đẻ được để sát vách chuồng. Ổ
đẻ phải làm phía trong chuồng để khi vịt từ ao lên, đi qua sân chơi vào chuồng
đến ổ đẻ thì chân đã khô, không làm dơ ướt ổ đẻ. Có thể ngăn riêng cho khu vực
ổ đẻ, sau 8 giờ sáng ngăn khu vực này lại để tránh vịt vào nằm trong ổ đẻ làm
dơ ổ đẻ.
Mật độ
nuôi: 2 – 3 con/m2 nền chuồng.
Lót nền chuồng và ổ đẻ bằng rơm
khô, cỏ khô, trấu. Đặc biệt chú ý lót ổ đẻ, phải thay thường xuyên để tránh ẩm
ướt và mốc. Trong điều kiện ẩm ướt, nấm và vi khuẩn rất dễ phát triển. Ổ đẻ
được làm bằng gỗ, tre, tấm cót,... thành từng ô có kích thước 40 x 60 x 40 cm
(Xem hình 1). Tính trung bình, mỗi ô cho 4 - 6 con mái đẻ.
Thí dụ: Một đàn vịt đẻ có 100 con
mái thì làm 4 cái ổ đẻ, mỗi cái 5 ô đẻ. Đàn vịt có 500 mái thì làm 15 cái, để
dọc theo vách chuồng (chiều dài 30 m).
Hình 1: Ổ đẻ của vịt
Nếu làm chuồng sàn trên ao cá,
trước hết chúng ta lót sàn ở chỗ đặt ổ đẻ bằng tấm cát-tăng, cót... rồi mới đặt
ổ đẻ lên, nhằm tránh cho rơm, trấu rơi xuống ao.
Ao nuôi vịt đẻ có độ sâu 1,2 mét
trở lên. Nước phải được thay sạch sẽ để đảm bảo tỷ lệ đẻ và tỷ lệ phôi. Cần chú
ý cầu ao, với độ nghiêng không quá 25o và mặt cầu không trơn trượt, không gồ
ghề để tránh dập vỡ buồng trứng.
- Thức
ăn, nước uống:
Thức ăn cho vịt đẻ nuôi nhốt có
hai dạng phổ biến sau, tùy điều kiện kinh tế và tính toán hiệu quả theo giá cả
thị trường mà chọn loại hình đầu tư thức ăn cho phù hợp.
Nuôi vịt đẻ hoàn toàn bằng thức
ăn hỗn hợp (thức ăn viên). Dùng thức ăn viên có chi phí thức ăn tương đối cao,
nhưng bù lại là sự thuận tiện, dễ sử dụng, chủ động về số lượng, theo dõi mức
ăn hằng ngày dễ dàng,... Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thức ăn cho vịt
đẻ. Không được nhầm lẫn thức ăn vịt đẻ hướng trứng (thường có tỷ lệ protein
thấp hơn) với thức ăn cho vịt đẻ hướng thịt cao sản này. Tránh thay đổi liên
tục loại thức ăn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất vịt đẻ. Điều quan trọng là
nguồn thức ăn phải ổn định về chất lượng, nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn
phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh.
Một phương thức khác hiện nay
nhiều hộ nuôi vịt đẻ CV Super-M2 cải tiến áp dụng khá hiệu quả là kết hợp thức
ăn viên hỗn hợp và nguồn thức ăn tự nhiên như ốc tươi, còng tươi và lúa. Chúng
tôi khuyến cáo không nên thay toàn bộ thức ăn hỗn hợp bằng thức ăn tự nhiên, vì
nguồn thức ăn tự nhiên thay đổi theo mùa vụ, con nước nên không thể chủ động về
số lượng, chất lượng. Chỉ nên dùng theo công thức 70 - 80% thức ăn viên + 20-30%
được thay bằng hỗn hợp lúa + ốc tươi, còng tươi. Cứ 1 kg thức ăn viên vịt đẻ
được thay bằng 1,1-1,2 kg lúa + 0,8-0,9 kg ốc tươi. Nếu dùng còng tươi, do giá
còng đắt (3500 - 4000 đồng/kg so với ốc bươu vàng chỉ 700-1200 đồng/kg), nên
lượng còng tươi dùng ít hơn, khoảng 20 - 30 gam/con/ngày.
Thí dụ:
Đàn vịt đẻ gồm 200 con mái và 35
con trống, tổng cộng 235 con. Mỗi ngày ăn 54 kg thức ăn, gồm:
Thức ăn viên vịt đẻ: 54 kg x 70%
(38 kg).
16 kg thức ăn còn lại được thay
bằng 13 - 14 kg lúa + 17 - 18 kg ốc tươi. Nếu là ốc bươu vàng thì phải đập dập
vỏ trước khi cho ăn.
Rau xanh: 20 - 30 kg, tùy loại
rau.
Chuyển đổi từ loại thức ăn hậu bị
sang thức ăn vịt đẻ từ tuần tuổi 22, nhưng vẫn phải khống chế mức ăn hàng ngày
cho đến khi vịt đẻ 30 - 50% mới cho ăn tự do để tránh vịt bị mập. Nếu vịt bị
quá mập, tích mỡ nhiều ở khoang bụng, xung quanh buồng trứng, hạn chế sự phát
triển của buồng trứng, vịt đẻ muộn, tỷ lệ đẻ thấp và tỷ lệ trứng nhỏ, trứng dị
hình cao.
Bảng 6: Tỷ lệ vật chất khô và
prôtêin thô của lúa và một số mồi tươi
(Kết quả phân tích mẫu tại viện PASTUER, TP.
Hồ Chí Minh)
Vịt đẻ cho ăn 2 bữa/ngày. Cho vịt
ăn vào lúc trời mát.
Sử dụng máng ăn bằng gỗ, tôn hay
nia mẹt, chậu. Một máng ăn bằng gỗ hay tôn có chiều dài 2 mét (Hình 2) đủ cho
70 - 100 con. Tránh để thức ăn ngoài mưa, nắng để bảo vệ chất lượng thức ăn.
Những ngày nắng nóng, lượng thức ăn tiêu thụ giảm nhiều thì cần phải bổ sung
thêm các chế phẩm bổ sung axít-amin và chất điện giải.
Cần có đủ nước uống cho vịt đẻ.
Nhu cầu lượng nước uống hằng ngày bằng 3 - 4 lần lượng thức ăn tinh. Trước khi
thả vịt xuống ao phải cho vịt uống no nước ngọt. Có thể dùng máng uống tự chế
bằng tôn, chậu sành hay máng uống tự động (công ty CP có bán trên thị trường
máng uống tự động bằng nhựa).
Hình 2: Máng ăn cho vịt (gỗ hay tôn)
- Chiếu
sáng :
Thời gian chiếu sáng quy định là
17 giờ/ngày. Ngoài chiếu sáng tự nhiên khoảng 12 - 14 giờ, phải chiếu sáng nhân
tạo bổ sung 3 - 5 giờ/ngày. Công suất chiếu sáng là 3 - 5 W/m2 nền chuồng (treo
bóng đèn tròn 75W cách mặt nền chuồng 2 - 2,5 mét). Chiếu sáng hợp lý sẽ kích
thích đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống cao.
- Nhặt và
bảo quản trứng:
Vịt đẻ tập trung vào 2 - 4 giờ
sáng, nhưng có thể đẻ muộn đến 8 - 9 giờ sáng. Nên nhặt trứng làm 2 - 3 lần để
trứng được sạch sẽ và tránh dập vỡ. Trứng sau khi nhặt xong cần chọn ngay những
quả đủ tiêu chuẩn giống để bảo quản. Trứng dơ bẩn có thể rửa bằng dung dịch có
chứa chlorin theo nồng độ 1250 ppm. Cứ 10 lít nước ấm pha 50 gam chất có chứa
25% chlorin. Hãng
Cherry Valley
đưa ra quy định nhiệt độ nước trong quá trình rửa trứng là 37oC. Tuyệt đối
không được rửa trứng bằng nước lã, nước dơ, vì như vậy vi trùng dễ xâm nhập làm
thối trứng.
Trứng đựng vào khay, cần xé và
bảo quản nơi khô mát. Nếu có phòng lạnh bảo quản ở nhiệt độ 18 – 20oC
thì càng tốt. Trứng giống bảo quản 3 - 5 ngày, tối đa 7 ngày phải đưa ấp. Nếu
để lâu hơn thì tỷ lệ chết phôi trong quá trình ấp sẽ tăng.
Nếu nuôi đúng kỹ thuật, vịt bắt
đầu đẻ trứng lúc 24 tuần tuổi. Sau đây chúng tôi xin nêu một trường hợp để tham
khảo, với sản lượng trứng bình quân 203 quả/mái/42 tuần đẻ. Qua đồ thị tham
khảo này, người chăn nuôi có thể theo dõi, kiểm tra đàn vịt đẻ của mình. Trong
thực tế không thể hoàn toàn đạt được một đồ thị đẻ trứng lý tưởng, nhưng nếu tỷ
lệ đẻ dao động quá lớn (10% trở lên) là không tốt, cần phải kiểm tra lại ngay
các khâu nuôi dưỡng.
Bảng : Sản lượng trứng và tỷ lệ
đẻ trứng qua các tuần đẻ
- Chích ngừa bệnh dịch tả vịt:
Đối với vịt, dịch tả vịt là bệnh
bắt buộc phải chích ngừa. Hiện nay, trên thị trường có một số loại vắc xin được
sản xuất trong và ngoài nước. Trại vịt giống VIGOVA nhiều năm qua sử dụng vắc
xin của công ty thuốc thú y TW2, TP. Hồ Chí Minh. Loại vắc xin này dễ sử dụng,
hiệu quả cao và giá rẻ. Pha vắc-xin với nước sinh lý và chích dưới da cổ hay
bắp đùi.
Lịch
chích ngừa cho vịt bố mẹ như sau:
18 ngày tuổi: 0,5 cc/con.
8 - 9 tuần tuổi (sau khi chọn vịt
hậu bị): 1 cc/con.
21 tuần tuổi: 1 cc/con.
Những nơi có nguy cơ bệnh cao, có
thể chích nhắc lại vào giữa chu kỳ đẻ trứng (sau 6 - 7 tháng đẻ), nhưng phải
thận trọng vì có thể làm giảm tỷ lệ đẻ.
No comments:
Post a Comment
Ghi ý kiến của bạn vào ô trống bên dưới.